02/08/2017 Nếu không áp dụng điều luật 232, Mỹ sẽ áp dụng biện pháp "mềm" nào đối với ngành thép?

Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ hôm thứ 5 (27/7) cho biết chính quyền đang cân nhắc một số giải pháp đàm phán nhằm giải quyết tình trạng dư thừa thép dưới hình thức thỏa thuận tự nguyện.

Các thành viên Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ đã họp bàn với Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross về vụ điều tra của Bộ Thương mại theo mục 232 xoay quanh vấn đề an ninh quốc gia đối với sản phẩm thép. Theo đó, các quan chức nhấn mạnh ông Ross nhận thức rõ tính phức tạp của vụ điều tra các sản phẩm thép và nhôm và hệ quả của bất kỳ biện pháp nào có thể sẽ được áp dụng ngay sau khi có kết quả điều tra.

Nhiều thành viên Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ trong đó có Chủ tịch Kevin Brady (Đảng Cộng hòa, Bang Texas), Hạ nghị sĩ Sandy Levin (Đảng Dân chủ, Bang Michigan) và Judy Chu (Đảng Dân chủ, Bang California) cho biết ông Ross hiểu rõ nguy cơ bị trả đũa nếu thực hiện các biện pháp theo mục 232. Do vậy, họ cho biết, ông Ross hiểu được rằng các giải pháp đàm phán giải quyết khủng hoảng thừa thép và nhôm là phương án tốt nhất.

Ông Ross chia sẻ hiện các diễn đàn thép toàn cầu và diễn đàn thép WTO vẫn chưa đủ để giải quyết tình hình hiện tại và ông kỳ vọng một số giải pháp thương lượng sẽ được đưa ra.

Khi được hỏi về hình thức đàm phán bà Chu cho biết: "Ông Ross đề cập đến hình thức thỏa thuận tự nguyện".

Hạ nghị sĩ Bill Pascrell (Đảng Dân chủ- Bang New Jersey), thành viên cấp cao của Tiểu ban Thương mại của Ủy ban tin rằng Bộ trưởng Ross với tài diễn giả của mình, sẽ là một thành viên của nhóm đàm phán với các nước khác.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết vẫn chưa rõ về việc nếu không áp dụng mục 232 thì chính quyền ông Trump sẽ sử dụng cơ chế nào để gây sức ép lên Trung Quốc- quốc gia đang bị coi là nguyên nhân chính gây tình trạng thừa thép.

Một trong những hướng đi có thể phá hỏng động lực đàm phán của Mỹ chính là để cho Bộ trưởng Ross gửi bản báo cáo "cực kỳ cứng rắn" đến tổng thống Donald Trump trong đó bao gồm các biện pháp mà Mỹ có thể dùng trong vòng 90 ngày tới nhằm gây áp lực lên Bắc Kinh nhằm tham gia vào cuộc đàm phá "thiện chí" để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Nhiều chính trị gia trên thế giới trong đó có tổng thống Donald Trump trong những năm gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc đã làm giá thép giảm, gây thiệt hại đến ngành thép trong nước. Tổng thống Donad Trump cho rằng ngành thép của Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng do thép giá rẻ của Trung Quốc. Hàng loạt các nước từ Mỹ đến Ukraine đề ra hơn 100 biện pháp hạn chế thương mại áp đặt lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước thép giá rẻ của quốc gia này.

Một số thành viên của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện bày tỏ mối nghi ngờ về khả năng đàm phán có thể giải quyết dứt điểm tình trạng thừa thép. Hạ nghị sĩ Levin cho biết: "Tôi cho rằng bản thân ông Ross cũng hoài nghi về hiệu quả của việc đàm phán. Ông ấy hoài nghi về khả năng bất cứ điều khoản nào được đàm phán đều có tác dụng và vì vậy vẫn còn nhiều thứ phải làm".

Ông Levin cho rằng ông Ross phải hiểu rõ hơn Tổng thống về khả năng gây ra tác dụng ngược mà các biện pháp này có thể mang lại. "Tôi nghĩ rằng ngài Bộ trưởng hiểu rõ mức độ phức tạp của sự việc do đó thách thức ở đây là tìm ra các biện pháp để tránh những tác động tiêu cực".

Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện ông Brady cho biết ông ủng hộ phương án tìm ra giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng thừa thép ở Trung Quốc. Đồng thời Bộ trường Ross cùng cộng sự cần phải hiểu rõ tác động tiêu cực của việc áp dụng một biện pháp hiếm khi được sử dụng như mục 232. Ông Brady kêu gọi chính quyền ông Trump nên bình tĩnh suy xét mọi yếu tố và đảm bảo cân bằng các giải pháp.

Liên quan đến tuyên bố áp dụng mục 232, hồi tháng 6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết nếu bộ này tìm được bằng chứng thép nhập khẩu đe dọa đến an ninh quốc gia, tổng thống sẽ được đơn phương "điều chỉnh nhập khẩu", trong đó có thể bao gồm hạn chế lượng thép nhập khẩp.

Trước thông tin này, nhiều quốc gia xuất khẩu thép sang Mỹ đặc biệt là quốc gia châu Âu và Trung Quốc đồng loạt lên tiếng. Hồi cuối tháng 6, Brussels tuyên bố sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp đặt thuế hoặc hạn ngạch nhập khẩu thép từ châu Âu. Trước đó, tổng thống Donald Trump đe dọa hạn chế nhập khẩu thép vì lý do an ninh quốc gia.

Bà Cecilia Malmström, Cao uỷ Thương mại EU kêu gọi chính quyền ông Trump không nên áp đặt hàng rào thuế quan nhập khẩu thép vì như vậy sẽ ảnh hưởng xấu tới châu Âu. "Mỹ và châu Âu là bạn và là đồng minh vì thế chúng tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ phải chịu bất công vì điều này. Chúng tôi sẽ chờ đợi xem biện pháp thuế mới mà Mỹ ban hành có tuân thủ với quy định của WTO hay không. Nếu điều này gây tổn hại đến châu Âu thì tất nhiên chúng tôi sẽ trả đũa".

Trong một tờ trình gửi tới ban điều tra thép của Mỹ, Brussels cho rằng việc Mỹ áp đặt các biện pháp lên các sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các nước vì lý do an ninh quốc gia là không công bằng. Cũng theo thông tin từ tờ trình, rất khó để đánh giá xem thép nhập khẩu có thể thay thép nội địa như thế nào hay nó khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng ra làm sao bởi hiện nay số lượng thép nhập khẩu vào thị trường Mỹ đang giảm.

Thép nhập khẩu từ Nhật Bản, Canada và châu Âu sẽ phải chịu "cú đấm" mạnh mẽ nhất từ hình phạt thương mại mà Washington có thể sẽ áp dụng bởi các biện pháp chống bán phá giá trước đó đã khiến thép của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ giảm mạnh.

Bình luận & chia sẻ
Đang tải bình luận,....